Nắm vững kiến thức về hệ thống báo cháy thông minh

Hệ thống báo cháy thông minh (Fire Alarm System) là gì?

Hệ thống báo cháy là một tập hợp các thiết bị, gồm tủ trung tâm báo cháy, thiết bị đầu vào và thiết bị đầu ra; có nhiệm vụ phát hiện và cảnh báo đám cháy.

 

Hệ thống báo cháy thông minh được chia làm mấy loại?

 

Dựa trên nguyên lý hoạt động, hệ thống được phân làm hai loại là hệ thống báo cháy vùng và hệ thống báo cháy địa chỉ.

Điểm khác biệt cơ bản giữa hai hệ thống này là:

Hệ thống báo cháy vùng (Conventional Fire Alarm System): khi nhận được tín hiệu phát hiện sự cố sẽ báo cháy trên toàn một khu vực.

Ưu điểm của hệ thống này thường là tiết kiệm chi phí lắp đặt trong khi nhược điểm là không báo được chính xác vị trí đang xảy ra sự cố nên người dùng phải mất thời gian đi tìm đầu báo đang phát tín hiệu.

Hệ thống này phù hợp lắp đặt ở những nơi có mặt bằng không bị phân chia làm nhiều khu vực riêng, các loại công trình nhỏ hoặc các khu chung cư nhỏ.

Hệ thống báo cháy địa chỉ (Addressable Fire Alarm System): khi phát hiện sự cố, có khả năng báo cháy chính xác đến từng vị trí lắp đầu báo.

Ưu điểm của hệ thống báo cháy địa chỉ là có thể báo chính xác nơi xảy ra sự cố, tuy nhiên, nhược điểm là chi phí lắp đặt cao hơn.

Hệ thống này phù hợp cho những nơi có mặt bằng được chia làm nhiều khu vực nhỏ riêng biệt và những công trình lớn.

 

Hệ thống báo cháy thông minh phát hiện đám cháy như thế nào?

 

Câu trả lời là hệ thống sẽ phát hiện đám cháy nhờ các thiết bị đầu vào, bao gồm: đầu báo cháy (đầu báo khói, đầu báo nhiệt, đầu báo khí gas…) và nút ấn báo cháy bằng tay.

Khi một đám cháy xảy ra sẽ phát sinh hai thứ là nhiệt và khói. Vì vậy, để phát hiện đám cháy, hệ thống cần nhận tín hiệu từ đầu báo khói (nhận tín hiệu khói) và đầu báo nhiệt (nhận tín hiệu nhiệt). Khi phát hiện có dấu hiệu về sự gia tăng đột ngột về nhiệt độ và nồng độ khói, hai loại đầu báo này sẽ được kích hoạt và gửi tín hiệu về tủ trung tâm báo cháy.

Bên cạnh đó, trong những trường hợp khi có cháy mà con người phát hiện ra trước đầu báo khói và đầu báo nhiệt thì nút ấn báo cháy sẽ được sử dụng. Con người sẽ kích hoạt nút báo cháy bằng tay. Tương tự đầu báo, nút ấn cũng gửi tín hiệu báo cháy về tủ trung tâm.

Có một lưu ý hết sức quan trọng là, trong tình huống không có cháy, tuyệt đối không được vì tò mò mà kích hoạt nút ấn bởi điều này sẽ gây báo động giả cho cả hệ thống: chuông còi kêu, đèn báo sáng, tín hiệu báo cháy truyền đến các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng… Nguy hiểm hơn, trong trường hợp nút ấn này được dùng để kích hoạt cho hệ thống chữa cháy tự động, các chất chữa cháy sẽ được phun ra và gây tổn thất lớn về tiền bạc và tài sản: chất chữa cháy bị xả hết và không sử dụng được nữa.

Hệ thống sẽ làm gì sau khi nhận tín hiệu báo cháy?

 

Sau khi nhận tín hiệu từ đầu báo hoặc nút ấn, tủ trung tâm báo cháy sẽ kích hoạt các thiết bị đầu ra để thông báo cho mọi người biết có sự cố và tiến hành sơ tán. Thiết bị đầu ra này chủ yếu thông báo đám cháy qua âm thanh (chuông, còi) và ánh sáng (đèn báo). Để đảm bảo sự an toàn và tăng khả năng truyền đạt thông tin thì khi lắp đặt hệ thống báo cháy nên kết hợp cả thiết bị âm thanh và ánh sáng nhằm tối ưu hóa hệ thống.

Để xử lý cháy, hệ thống sẽ giám sát, điều khiển và phối hợp với hệ thống chữa cháy. Ngoài ra, hệ thống báo cháy còn kết hợp được với các hệ thống khác như hệ thống điện, hệ thống thang máy, hệ thống thông gió… để tăng tính đồng bộ cho giải pháp chữa cháy của cả hệ thống.

Sau khi hệ thống được kích hoạt từ các thiết bị đầu vào, tủ trung tâm báo cháy sẽ xử lí tín hiệu và kích hoạt một số thiết bị đầu ra khác. Hành động này nhằm ngừng hoạt động của một số thiết bị hoặc toàn bộ hệ thống khác hay đưa thiết bị vào chương trình hoạt động riêng.

Một số giải pháp an toàn sẽ được thực hiện như: cắt điện, khởi động quạt thông gió, quạt hút khói, điều khiển thang máy, thậm chí có thể đóng cửa hoặc mở cửa tự động (mở cửa thoát hiểm hoặc đóng cửa ngăn cháy)…

FB: https://www.facebook.com/thietbidien24h.giare.tphcm/