Hệ thống chữa cháy khí Nitơ là gì?

Hệ thống chữa cháy khí Nitơ

Hệ thống chữa cháy khí nitơ hay nitrogen là một trong những hệ thống chữa cháy khí trơ được lựa chọn sử dụng phổ biến ở Việt Nam với nhiều ưu điểm tuyệt vời như: khả năng chữa cháy hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, không phá hủy tầng ozone, không gây hại cho con người và không để lại cặn bã sau khi phun,…

Hệ Thống Chữa Cháy Khí Nitơ (N2)  IG-100 Là Gì?

Hệ thống chữa cháy khí IG-100 với thành phần là khí N2 được sử dụng để dập tắt hoặc ngăn chặn sự lan rộng của lửa với nguyên lý giảm nồng độ oxy trong đám cháy.

Thành Phần Khí IG-100  Là Gì?

Thành phần khí IG-100 100% là khí Nitơ. Khí Nitơ là một nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn nguyên tố có ký hiệu N2 và số nguyên tử bằng 7, nguyên tử khối bằng 14. Ở điều kiện bình thường, nitơ là một chất khí không màu, không mùi, không vị và khá trơ.

Nitơ chiếm khoảng 78% khí quyển Trái Đất và là thành phần của mọi cơ thể sống, chủ yếu ở dạng các amino axit (và protein); nó cũng có trong các axit nucleic (DNA và RNA). Cơ thể người có chứa khoảng 3% nitơ theo trọng lượng (vi.wikipedia.org).

Đặc Điểm Khí N2

Nitơ là giải pháp phòng cháy tuyệt vời và là công cụ chữa cháy, làm giảm nồng độ oxy một cách hiệu quả với những đặc điểm sau:

  • Khí Nitơ có mật độ khí dập cháy thấp nhất trong các loại khí trơ kể cả khí Argon và loại khí trộn giữa Nitơ và Argon.
  • Nitơ có hiệu năng dập lửa cao nhất. Việc dập tắt đám cháy (ngọn lửa) được thực hiện bằng cách giảm nồng độ oxy trong không khí xuống mức dưới 13.9% (mật độ khí chữa cháy để dập tắt lửa).
  • Khí Nitơ là loại thích hợp nhất cho hệ thống dập lửa bao trùm do nó không tạo ra các sản phẩm phân huỷ do nhiệt và do vậy nó rất an toàn đối với con người.
  • Khí Nitơ không có khả năng sản sinh ra các loại khí ăn mòn trong quá trình phân huỷ nhiệt, không tác động xấu tới môi trường.
  • Khí nitơ (mật độ 1.251g/l ở STP, khối lượng nguyên tử trung bình 28.00 g/mol) nhẹ hơn so với không khí và có thể lấp đầy toàn bộ không gian vùng lân cận của đám cháy giúp kiểm soát hỏa hoạn một cách hiệu quả (en.wikipedia.org).
  • Khí nitơ có nhiệt độ nóng chảy thấp (-210,1°C, độ dẫn nhiệt 24 mW/mK tại NTP) giúp tản nhiệt ở khu vực bịt kín, chính vì vậy, nó được phép sử dụng để ngăn ngừa và kiểm soát nhiệt/ cháy tự phát ở các khu vực kín (nopr.niscair.res.in).
  • Nitơ là một loại khí không độc hại có sẵn trong khí quyển.

Nguyên Lý Hoạt Động Của Hệ Thống Chữa Cháy Khí Nitơ (IG-100)

Tùy thuộc theo từng trường hợp cũng như cấu tạo của từng loại mà hệ thống chữa cháy khí nitơ sẽ hoạt động dưới sự tác động trực tiếp của con người hoặc hoạt động tự động. Về nguyên tắc, hệ thống chữa cháy khí nitơ chỉ hoạt động tự động khi nhận được tín hiệu từ hai đầu báo nhiệt và khói trên hai kênh khác nhau.

Bình thường, khi không cháy, hệ thống chữa cháy khí nitơ làm việc ở chế độ thường trực, trung tâm điều khiển báo cháy và chữa cháy tự động sẽ hiển thị trạng thái làm việc của các thiết bị chính trong hệ thống.

Khi có hỏa hoạn diễn ra, các yếu tố môi trường thay đổi kích thích đầu báo cháy làm việc. Nếu chỉ có một kênh báo cháy làm việc thì tủ trung tâm điều khiển sẽ phát ra tín hiệu báo cháy và chỉ thị khu vực đang diễn ra cháy; lúc này, hệ thống phun khí nitơ chữa cháy chưa làm việc.

Ngược lại, nếu cả hai kênh báo cháy đồng thời làm việc thỉ tủ trung tâm sẽ phát tín hiệu báo động, chỉ thị khu vực cháy; cùng lúc tủ trung tâm sẽ tự động chuyển sang chế độ xả khí. Sau một khoảng thời gian trễ nhất định, trung tâm điều khiển sẽ tạo ra tín hiệu điện đưa tới van mở cơ điện.

Khi van mở cơ điện bị tác động, nó sẽ kích hoạt mở bình khí mồi để đưa khí từ bình này theo đường ống kích thích mở van lựa chọn khu vực cháy.

Khi đó, khí nitơ sẽ từ bình chứa qua van pittong cổ bình, qua ống góp, qua van lựa chọn khu vực, qua hệ thống đường ống và qua vòi phun vào khu vực cháy,

Các Thiết Bị Chính Trong Hệ Thống Chữa Cháy Khí Nitơ (IG-100)

Một hệ thống chữa cháy khí nitơ được cấu thành từ 9 thiết bị chính bao gồm tủ điều khiển xả khí, đầu báo cháy, còi đèn báo xả khí, nút nhấn báo cháy, nút ấn xả khí + tạm dừng xả khí bằng tay, đầu phun xả khí, bình khí+ phụ kiện, đường ống và hệ thống cảnh báo xả khí.

Tủ Điều Khiển Xả Khí

Tủ điều khiển xả khí có khả năng giám sát và điều khiển các hệ thống chữa cháy. Module được tích hợp các công I/O để kết nối với nút xả khẩn cấp, nút dừng khẩn cấp, nút tạm ngừng để bảo trì hệ thống, chuông báo chữa cháy, trung tâm báo cháy,…

ầu Báo Cháy (Khói, Nhiệt)

Đầu báo cháy (khói, nhiệt) là thiết bị nhạy cảm với các sự cố cháy (phát sinh khói, sự gia tăng nhiệt độ,…); chúng có nhiệm vụ phát hiện đám cháy và truyền thông tin về tủ điều khiển trung tâm.

Còi Đèn Báo Xả Khí

Còi, đèn báo xả khí thường được bố trí ngay trước cửa ra vào phòng nhằm kịp thời thông báo cho người bên trong nhanh chóng thoát ra ngoài và những người bên ngoài không vào vùng xả khí.

Nút Nhấn Báo Cháy

Nút ấn báo cháy được cài đặt kết nối với hệ thống báo cháy và chữa cháy sử dụng thủ công bởi con người. Khi phát hiện ra đám cháy, người phát hiện chỉ việc nhấn nút, tín hiệu sẽ nhanh chóng truyền thông tin về tủ trung tâm báo cháy và tủ điều khiển xả khí.

Nút Ấn Xả Khí Và Tạm Dừng Xả Khí Bằng Tay

Trong trường hợp có cháy nhưng hệ thống chữa cháy tự động chưa kịp thời hoạt động, người phát hiện đám cháy có thể ấn nút xả khí khẩn cấp. Lúc này, tín hiệu sẽ được chuyển về trung tâm và trung tâm chữa cháy sẽ phát lệnh xả khi ngay lập tức.

Đồng thời, người phát hiện đám cháy cũng có thể ấn nút tạm dừng xả khí trong trường hợp phát hiện đám cháy giả hoặc trong trường hợp cần thiết khác.

Đầu Phun Xả Khí

Đầu phun xả khí có kết cầu là đầu phun hở có nhiệm vụ phân phối khí đến khu vực cần bảo vệ sao cho đảm bảo về lượng và mật độ khí phù hợp nhất. Kích thước đầu phun và số lượng đầu phun và kích thước các lỗ thoát khí trên đầu phun phải được tính toán cẩn thận để đảm bảo hiệu quả chữa cháy tốt nhất.

Bình Khí Và Phụ Kiện

Bình khí là vật dụng lưu trữ lượng khí nitơ cần thiết để phục vụ hoạt động chữa cháy. Ngoài bình khí chính, trong hệ thống chữa cháy khí nitơ còn có bình khí mồi có nhiệm vụ mở van lựa chọn khu vực và kích hoạt bình chứa khí làm việc.

Các phụ kiện đi kèm bình bao gồm hệ thống van, đầu phun xả khí, hệ thống ống dẫn khí, bảng cảnh báo và đồng hồ giám sát áp lực của bình chứa.

Đường Ống

Khí từ bình chứa được cấp vào ống góp dẫn đến các khu vực cần chữa cháy bằng ống dẫn khí. Đường ống dẫn trong hệ thống chữa cháy khí nitơ phải kín, có khả năng chịu áp suất cao (tiêu chuẩn SCH40, SCH80.. tuỳ vào hệ thống cụ thể). Trước khi lắp đặt thiết bị phải được thử áp lực – áp lực thử có giá trị bằng 1,5 lần áp lực làm việc lớn nhất của hệ thống.

Hệ Thống Cảnh Báo Xả Khí

Hệ thống cảnh báo xả khí sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo với 2 mức:

Hệ thống cảnh báo mức 1: Phát ra khi 1 trong hai đầu báo trong cùng khu vực gửi tín hiệu báo cháy về tủ điều khiển. Lúc này, hệ thống chữa cháy vẫn chưa phun xả khí.

Hệ thống cảnh báo mức 2: Khi cả 2 loại đầu báo trong cùng khu vực bị tác động và gửi tín hiệu về tủ điều khiển. Lúc này, tủ điều khiển sẽ tác động chuông và còi đèn của khu vực đó, để báo cho mọi người có sự cố cháy và hệ thống chuẩn bị phun xả khí.

Ưu, Nhược Điểm Của Hệ Thống Chữa Cháy Khí Nitơ (IG-100)

Hệ thống chữa cháy khí nitơ được sử dụng phổ biến tại Việt Nam vì những ưu điểm tuyệt vời mà nó mang lại. Dẫu có nhiều ưu điểm, nhưng xét đến cùng giống như hầu hết những hệ thống khác nó vẫn có một vài nhược điểm mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong phần này.

Ưu Điểm Của Hệ Thống Chữa Cháy Khí Nitơ (IG-100)

Những ưu điểm mà hệ thống chữa cháy khí nitơ mang đến bao gồm: chữa cháy hiệu quả, an toàn cho con người, thiết bị và môi trường.

Chữa Cháy Hiệu Quá

Nitơ là một loại khí trơ dập tắt lửa dựa trên nguyên lý suy giảm oxy. Trong một không gian kín hầu như tất cả các đám cháy đều có thể dập tắt trong chưa đầy 60 giây khi nồng độ oxy giảm dưới 15%. Nitơ có khả năng làm giảm nồng độ oxy đến xấp xỉ 12,5%.

An Toàn Cho Thiết Bị Và Vật Dụng

Khi nhận được tín hiệu báo cháy, hệ thống chữa cháy sẽ kích hoạt và phủ một lớp khí nitơ thích hợp lên mọi thiết bị đồ đạc trong nhà đồng thời ngăn sự lan tỏa, phát cháy của đám cháy khi cách ly oxi khỏi đám cháy mà không cần sử dụng thêm nước hay bọt.

Khi không sử dụng thêm bất cứ chất nào khác và khí nitơ thì không gây ra sương, sương giá,… không ăn mòn kim loại nên nó hoàn toàn an toàn với các thiết bị, vật dụng được làm từ kim loại. Ngoài ra, hiệu quả cách ly khí nitơ cũng cao hơn và không tạo ra khí phân hủy.

Thân Thiện Với Con Người

Nitơ không có nguy cơ gây ngộ độc cho người như Carbon Dioxide (CO2); ở những khu vực có cháy, mọi người có thể hít phải khí nitơ khi hệ thống chữa cháy khí nitơ hoạt động ở mức chấp nhận được đối với phơi nhiễm ở người trong khoảng thời gian ngắn. Nó cũng không che phủ tầm nhìn khi chúng ta sơ tán trong đám cháy vì nitơ là một chất không màu, trong suốt.

Thân Thiện Với Môi Trường

Khí nitơ là khí trơ được tìm thấy trong tự nhiên vì vậy nó hoàn toàn không phải hủy môi trường. Hệ số phá hủy tầng ozone của nitơ là “không” và hệ số khiến trái đất nóng lên cũng bằng “không”.

Nhược Điểm Của Hệ Thống Chữa Cháy Khí Nitơ (IG-100)

Khí nitơ cần được bảo quản trong các bình có vỏ dày (vì áp suất cao đến 200 Bar), dẫn đến tốn nhiều không gian lắp đặt hơn so với thông thường. Do nhẹ hơn không khí nên hiệu quả của hệ thống chữa cháy khí nitơ ở những nơi thoáng gió không cao.

Ngoài ra, ở thị trường Việt Nam, bình chứa khí nitơ chỉ có 1 kích cỡ thông dụng là 80L, khi lắp đặt phải kết hợp cụm nhiều bình dẫn đến tốn nhiều không gian hơn. Bình chứa áp lực cao, có nguy cơ gây nổ vì thế phải để riêng biệt với khu vực cần chữa cháy.

Yêu Cầu Kỹ Thuật Với Hệ Thống Chữa Cháy Khí Nitơ

Trang thiết bị chữa cháy khí của công trình phải đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Hệ thống chữa cháy khí N2 phải sẵn sàng ở chế độ thường trực, khi xảy ra cháy phải nhanh chóng hoạt động và dập tắt đám cháy.
  • Hệ thống chữa cháy N2 phải được lắp đặt phù hợp với khu vực và nguy cơ xảy ra cháy nổ để việc chữa cháy diễn ra hiệu quả nhất.
  • Trang thiết bị trong hệ thống báo cháy khí N2 không làm hư hỏng các dụng cụ, thiết bị, dữ liệu khác tại các khu vực chữa cháy.
  • Trang thiết bị trong hệ thống báo cháy N2 phải đảm bảo hoạt động lâu dài, hiện đại.
  • Trang thiết bị trong hệ thống báo cháy N2 phải đạt được các tiêu chuẩn của Châu Âu, Mỹ và các tiêu chuẩn của Việt Nam.

Căn Cứ Thiết Kế Và Tiêu Chuẩn đối với Hệ Thống Chữa Cháy Khí Nitơ  (IG-100)

Trong phần này, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những tiêu chuẩn thiết kế hệ thống chữa cháy khí nitơ được áp dụng cho các công trình tại Việt Nam.

Căn Cứ Thiết Kế Hệ Thống Chữa Cháy Khí Nitơ (IG-100)

Hệ thống chữa cháy khí N2 được thiết kế và lắp đặt dựa trên các tiêu chuẩn như:

  • Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7161-1:2002; ISO 14520-1:2000: Hệ thống chữa cháy bằng khí – tính chất vật lý và thiết kế hệ thống.
  • Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7161-13:2002ISO 14520-13:2000: Hệ thống chữa cháy bằng khí – tính chất vật lý và thiết kế hệ thống – Phần 13: Chất chữa cháy IG -100 (N2).

Tiêu Chuẩn Đối Với Hệ Thống Chữa Cháy Khí Nitơ (IG-100)

Khi thi công công trình chữa cháy khí nitơ, các vấn đề như an toàn của nhân viên và tiêu chuẩn thiết kế hệ thống là những điều mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm để không xảy ra những sự vụ đáng tiếc như hệ thống chữa cháy làm việc không hiệu quả, cháy nổ,…

An Toàn Của Nhân Viên

Phải quan tâm đến bất cứ mối nguy hiểm nào đối với nhân viên do việc xả khí nitơ tạo ra trong thiết kế hệ thống.

Các mối nguy hiểm tiềm tàng có thể tăng lên do các nguyên nhân sau:

a) Bản thân khí chữa cháy, bởi sự giảm oxy;

b) Các sản phẩm cháy của đám cháy.

Thiết Kế Hệ Thống

Áp suất nạp, sự tăng áp và lượng khí chữa cháy cần được tính toán cẩn thận khi thiết kế hệ thống chữa cháy khí nitơ.

Áp Suất Nạp

Áp suất nạp của bình chứa không được vượt quá các giá trị cho trong Bảng 6 và Bảng 7 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7161-13:2002 đối với các hệ thống làm việc ở 200 bar tại 150C và 300 bar tại 15°C tương ứng. Có thể sử dụng các áp suất khác và áp suất thiết kế nhỏ nhất được quy định một cách phù hợp.

Sự Tăng Áp

Các bình chứa Nitơ không được tăng áp.

Lượng Khí Chữa Cháy

Lượng khí chữa cháy phải là nhỏ nhất theo yêu cầu để đạt được nồng độ thiết kế trong thể tích khu vực nguy hiểm ở nhiệt độ thấp nhất được xác định khi sử dụng Bảng 3 TCVN 7161-13:2002 và phương pháp theo TCVN 7161-1, điều 7.6.

Các nồng độ thiết kế phải là các nồng độ được quy định cho các khu vực nguy hiểm có liên quan trong Bảng 4 TCVN 7161-13:2002, bao gồm hệ số an toàn 1,3 cho nồng độ chữa cháy. Nên xem xét đến việc tăng hệ số này cho các khu vực nguy hiểm riêng trong khi xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

Tính Toán Thể Tích Của Khu Vực Cần Chữa Cháy

Khu vực sử dụng hệ thống chữa cháy khí nito cần phải được thiết kế là phòng kín khi phun xả khí, vì vậy nếu phòng có hệ thống quạt hút, máy điều hòa, khe hở thì phải đảm bảo khi có cháy xảy ra và trước khi hệ thống chữa cháy khí nito phun xả thì các thiết bị hoặc các không gian mở trên cần phải được đóng lại để đảm bảo phòng kín.

Tính Toán Khối Lượng Khí Nitơ
  • Thể tích phòng :V= dài x rộng x cao
  • Khối lượng khí cần để chữa cháy cho phòng = V(m3) x hệ số (kg/m3)
Lựa Chọn Số Đầu Phun

Mỗi đầu phun có diện tích bao phủ 8.6m x 8.6m, cao độ tối đa là 5m, nếu cao độ phòng cao hơn 5m cần phải thiết kế đầu phun chữa cháy 2 lớp trong phòng.

Tính Toán Chi Tiết Và Cách Lựa Chọn Bình Khí N2

Cơ sở tính toán thiết kế:

(1) Bảng 3 TCVN 7161-13:2002: Lượng chất chữa cháy toàn bộ IG-100,

(2) Áp dụng công thức:

Q=VxSrSxln100100C

Trong đó:

Q: Là số lượng chất chữa cháy N2 cần thiết để chữa cháy cho phòng.

V= L*R*C: là khối tích rỗng trong phòng.

Sr: Là thể tích hơi riêng ở nhiệt độ nạp chuẩn (15°C=0,8508 m3/kg).

S: Là thể tích riêng chất chữa cháy quy định (20°C =0,8583 m3/kg).

C: là nồng độ 41.5% đã bao gồm hệ số an toàn 1.3 (được dùng để tính toán cho tất cả các phòng).

Khi Nào Nên Sử Dụng Hệ Thống Chữa Cháy Khí Nitơ (IG-100)?

Khí nitơ được sử dụng để dập tắt đám cháy nhóm A và B. Với đám cháy nhóm C, nitơ vẫn có thể được sử dụng, tuy nhiên cần phải xem xét cẩn thận vì trong một vài trường hợp nó có thể gây ra nổ. Theo điều 4, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7161-1:2002, hệ thống chữa cháy khí Nitơ có thể được sử dụng để chữa cháy cho các khu vực được bao che kín hoặc các thiết bị có sẵn cấu kiện bao che vây quanh để có thể giữ được khí chữa cháy như:

  • Phòng máy tính
  • Trạm biến thế
  • Tổng đài điện thoại
  • Cơ quan lưu trữ văn thư
  • Phòng phát điện
  • Căn cứ quân đội
  • Xưởng sản xuất
  • Xưởng công nghiệp
  • Kho chất lỏng dễ cháy
  • Cơ sở hóa dầu
  • Trung tâm điều khiển
  • Phòng cơ điện

(*) Thông tin thêm về các loại đám cháy:

  • Đám cháy lớp A liên quan đến các chất dễ cháy phổ biến như gỗ, giấy, vải, cao su, rác và nhựa. Chúng phổ biến trong các khu dân cư, công xưởng, và tất cả những nơi có tồn tại loại vật chất này.
  • Đám cháy lớp B liên quan đến chất lỏng dễ cháy hoặc chất rắn hóa lỏng như xăng, dầu, sơn, một số loại sáp và chất dẻo (không tính mỡ và dầu ăn).
  • Đám cháy lớp C liên quan đến các chất khí dễ cháy, chẳng hạn như khí tự nhiên, hydro, propane, butane,…
  • Đám cháy lớp E liên quan đến các thiết bị điện được cấp điện, chẳng hạn như hệ thống dây điện, điều khiển, động cơ, bảng xử lý dữ liệu hoặc các thiết bị,…
  • Cháy lớp K (ở Mỹ)/ F (ở châu Úc) liên quan đến môi trường nấu ăn dễ cháy như dầu thực vật và mỡ động vật thường thấy trong nhà bếp.

Những Điều Cần Lưu Ý Khi Sử Dụng Hệ Thống Chữa Cháy Khí Nitơ (IG-100)

Mặc dù nitơ là một loại khí không độc, hại, thân thiện với con người và môi trường. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ các quy định về an toàn thì nó cũng có thể gây ra những tai nạn đáng tiếc như:

  • Bỏng lạnh: Khí Nitơ trong bình khí được hóa lỏng ở nhiệt độ -196 độ C,  vì vậy khi phun ra và chạm vào da lâu có thể gây bỏng lạnh.
  • Ngạt thở: Mặc dù khí nitơ không gây hại cho con người, nhưng nếu ở trong không gian kín, với nồng độ khí nitơ quá cao, khiến khí oxi hạ xuống dưới 19,5% sẽ gây thiếu oxy và khiến con người bị ngạt thở.
  • Nổ thiết bị: Nitơ lỏng bị lưu trữ trong không gian kín, nếu có sự hóa hơi đột ngột do gia tăng áp suất có thể gây nổ.

Chính vì thế, khi sử dụng hệ thống chữa cháy khí nitơ, các bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Ngay khi có tín hiệu báo cháy, báo xả khí chữa cháy, những người đang ở trong khu vực chữa cháy bằng khí N2 cần nhanh chóng di tản tránh ở lại quá lâu trong môi trường khí oxy giảm dần.
  • Sau khi đã dập tắt đám cháy, cần có hệ thống thông gió để cải thiện môi trường trước khi có người bước vào.
  • Chỉ áp dụng hệ thống chữa cháy khí nitơ với đám cháy lớp A, B, C.
  • Nơi sử dụng hệ thống chữa cháy khí nitơ phải kín hoặc dễ dàng cô lập vì hiệu quả chữa cháy của khí nitơ ở nơi thoáng gió không cao.

Những Hệ Thống Chữa Cháy Khí Nitơ (N2, IG-100) An Toàn Nhất Tại Việt Nam

Hệ thống chữa cháy khí N2 của Rotarex và PNP là 2 hệ thống chữa cháy khí nitơ được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam với nhiều ưu điểm tuyệt vời.

Hệ Thống Chữa Cháy Khí Nitơ Rotarex

Hệ thống chữa cháy khí Nitơ Rotarex sản phẩm của đơn vị Rotarex Firetec (châu Âu) có hơn 80 năm kinh nghiệm phòng cháy chữa cháy. Rotarex Firetec hướng tới việc tạo ra các sản phẩm và hệ thống chữa cháy có hiệu quả cao, yêu cầu bảo trì tối thiểu và cung cấp lợi ích chi phí vượt trội theo thời gian. Sản phẩm của Rotarex Firetec được chấp nhận và sử dụng tại hơn 65 quốc gia trên thế giới bao gồm Việt Nam.

Hệ thống chữa cháy khí Nitơ được thiết kế và sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000; tiêu chuẩn UL, FM giúp: cài đặt dễ dàng và nhanh hơn; các thành phần trong hệ thống hoàn toàn tương tích và có thể hoán đổi cho nhau; hiệu quả làm việc tốt hơn,… mà không hệ gây hại cho con người, thiết bị và môi trường.

Tìm hiểu thêm: Hệ thống chữa cháy khí Nitơ (N2) Rotarex

Hệ Thống Chữa Cháy Khí Nitơ PNP

PNP là một công ty Hàn Quốc chuyên sản xuất các thiết bị và hệ thống phòng cháy, chữa cháy, máy móc công nghiệp, thiết bị môi trường,… được thành lập vào tháng 12 năm 2000.

Hệ thống chữa cháy khí Nitơ PNP được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn NFPA chắc chắn là một hệ thống chữa cháy khí mà bạn nên cân nhắc, lựa chọn và sử dụng.

Tìm hiểu thêm: Hệ thống chữa cháy khí Nitơ (N2) PNP

Trên đây là những thông tin cơ bản về hệ thống chữa cháy khí nitơ, các bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về các hệ thống chữa cháy khí khác tại:

  • Hệ thống chữa cháy khí FM200
  • Hệ thống chữa cháy khí CO2
  • Hệ thống chữa cháy khí Aerosol
  • Hệ thống chữa cháy khí bằng bọt Foam